Bình đẳng – Bí quyết của những nền giáo dục hiệu quả

Nguyên tắc cơ bản của giáo dục Phần Lan là mọi người đều có quyền tiếp cận giáo dục và đào tạo chất lượng cao một cách bình đẳng.

Giáo dục thế giới thời gian vừa qua cho thấy, một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của một nền giáo dục là sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục, không phân biệt dân tộc, khoảng cách địa lý, giới tính và thu nhập.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, quốc gia này luôn được thế giới công nhận là cái nôi của nền giáo dục bình đẳng, luôn chú trọng vào chất lượng dạy và học. Nguyên tắc cơ bản của giáo dục Phần Lan là mọi người đều có quyền tiếp cận giáo dục và đào tạo chất lượng cao một cách bình đẳng. Mọi công dân đều được thụ hưởng các cơ hội giáo dục như nhau, không phân biệt tuổi tác, thu nhập, dân tộc hay nơi họ sống.Bí quyết thành công của những nền giáo dục hiệu quả

Bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế PISA mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD

Trong bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, cùng với Phần Lan, Estonia cũng đứng vị trí hàng đầu, bên cạnh một số nền giáo dục tiên tiến khác như Ireland, Thụy Điển, Canada…

Bà Maie Kitsing, cố vấn đánh giá đối ngoại thuộc Bộ giáo dục và nghiên cứu Estonia chia sẻ trên trang Estonian World rằng, chính sách giáo dục của Estonia luôn được thúc đẩy bởi nguyên tắc của trường học toàn diện.

“Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên phải có quyền tiếp cận giáo dục như nhau, bất kể họ sống ở đâu hay mức thu nhập của cha mẹ như thế nào”, bà Maie Kitsing cho biết.

Trong khi đó, ở châu Á, Hàn Quốc cũng được biết đến là một quốc gia có nền giáo dục hiệu quả khi luôn đạt vị trí cao trong bảng xếp hạng PISA những năm gần đây. Theo cơ quan phát triển giáo dục Hàn Quốc, việc chuẩn hóa chương trình giáo dục quốc gia và phổ cập trong giáo dục là một bước đệm để cung cấp chương trình học bình đẳng cho mọi người, không phân biệt khu vực địa lý, địa vị xã hội hay giới tính.

Khó khăn trong tiếp cận giáo dục chất lượng tại Việt Nam

So với các nền giáo dục Phần Lan, Estonia hay Hàn Quốc, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề tiếp cận giáo dục bình đẳng giữa các vùng miền.

Theo báo cáo đánh giá của tổ chức MovingWorlds năm 2019, nhiều trẻ em đến từ các hộ nghèo, vùng hẻo lánh và nhóm dân tộc thiểu số gặp trở ngại khi tiếp cận nền giáo dục toàn diện và chất lượng. Sự khác biệt lớn trong việc tiếp cận giáo dục giữa những người có mức thu nhập chênh lệch quá cao đã ảnh hưởng xấu đến tính di động xã hội của người có thu nhập thấp.

Trong khảo sát về đối tượng học tập tại Việt Nam, tổ chức Oxfam cho rằng có một khoảng cách lớn trong việc tiếp cận giáo dục ở các cấp phổ thông và đại học giữa những người giàu và người nghèo, giữa nhóm dân tộc thiểu số và người Kinh. Oxfam chỉ ra, năm 2004 chỉ có 0,9% người dân tộc thiểu số hoàn thành bậc cao đẳng – đại học; năm 2014 tăng 3,1%. Trong khi đó, trong nhóm người Kinh, con số này lần lượt là 5,1% và 11%.

Nhận thức rõ thực trạng bất bình đẳng trong giáo dục hiện nay, Việt Nam triển khai nhiều chính sách khuyến khích sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục trên mọi khía cạnh, không phân biệt dân tộc, thu nhập, giới tính hay địa lý.

Giáo dục trực tuyến thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận giáo dục

Theo MovingWorlds, về lý thuyết, học trực tuyến là một trong những giải pháp có thể thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, bởi nó đáp ứng linh hoạt những nhu cầu của học sinh, với mức chi phí thấp hơn so với các lớp học truyền thống.

Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục không chỉ là nguyên tắc hoạt động của một nền giáo dục thành công, mà còn là kim chỉ nam định hướng các nền giáo dục trên thế giới tiệm cận gần hơn với những giá trị giáo dục bền vững.

“Đảm bảo giáo dục toàn diện và chất lượng cho tất cả mọi người và thúc đẩy học tập suốt đời” – Đó là nội dung mục tiêu phát triển bền vững số 4 trong chương trình nghị sự 2030, được các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, đồng thuận thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, diễn ra ngày 25-27/9/2015 tại New York, Mỹ.

WordPress Video Lightbox Plugin