Edtech – xu thế giáo dục thời 4.0
“Edtech (education technology) là ứng dụng công nghệ ngành giáo dục. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của giáo dục từ việc dạy và học, quản lý giáo dục, truyền thông giáo dục…
Edtech cực kỳ phát triển trong vài năm trở lại đây, nó xuất hiện như mở ra một cuộc cách mạng về dạy và học, trở thành một xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Sự phát triển của các phần mềm đã giải phóng các giáo viên khỏi công việc đứng lớp truyền thống để chuyển sang vai trò là những người hướng dẫn và đồng hành cùng mỗi học viên, học sinh.
Xu thế giáo dục mới
Trung Quốc đang là nước dẫn đầu toàn thế giới trong đầu tư và phát triển Edutech, nơi thu hút tỷ lệ đầu tư lớn nhất, hơn 7 tỷ USD năm 2018, hơn Mỹ 2 tỷ USD. Tốc độ phát triển Edutech toàn cầu khoảng 15,4%/năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Edtech toàn cầu được biết đến với 3 mảng ứng dụng phổ biến, bao gồm:Quản lý thông tin và quy trình (Management of information and processes): Với ứng dụng này, thay vì việc sử dụng các giấy tờ để quản lý thông tin thì các trường học có thể sử dụng Edtech để quản lý sát hạch, quản lý các hệ thống trang web học trực tuyến và thi trực tuyến. Tại Việt Nam, hầu như tất cả các trường đại học, cao đẳng đã áp dụng hệ thống LMS (Learning Management System – chính là hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến)
1. Hướng dẫn tài liệu giảng dạy (Instruction – teaching material): Với ứng dụng thứ 2 này của Edtech thì thường được áp dụng theo 3 hình thức chính sau đây:1. Khóa học trực tuyến (E-learning) – dạy và học trực tuyến thông qua các trang web dạy học, trang web giáo dục. Phương pháp này rất phổ biến ở Việt Nam khi hiện nay có rất nhiều những đơn vị giáo dục đã tự thiết kế hoặc thuê các nền tảng nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập trực tuyến thay vì hình thức học truyền thống.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, internet công nghệ 5G phổ cập, Edtech lại càng có điều kiện phát triển. Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 200 DN trong và ngoài nước đang khai thác lĩnh vực giáo dục trực tuyến, hơn 2 triệu người dùng các chương trình học online. Vì dịch Covid-19 nên hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc đã phải chuyển sang học trực tuyến. Năm 2019, Edtech Việt Nam đã đón nhận một năm đầu tư kỷ lục với nguồn vốn kêu gọi được lên tới 50 triệu USD.Nhiều đơn vị trong và ngoài nước quan tâm tới Edtech Việt Nam đã khiến cho những sản phẩm Edtech đi vào chất lượng, đẩy mạnh nhiều phân khúc mới.
2. Học tập thông qua các dự án: Một phương pháp học tập khá hiệu quả và hiện đại khi giáo viên sẽ giao trực tiếp dự án cho học sinh và các học sinh sẽ được thành lập thành một nhóm để giải quyết dự án đó thay vì việc nghe và làm bài tập như trước kia. Với phương pháp học tập này, các học viên sẽ học được thêm các kỹ năng khác như kỹ năng giải quyết vấn đề, tự quản lý để hoàn thiện bản thân.
3. Học thông qua các ứng dụng thực tế ảo: Phương pháp học tập này sẽ giúp người học được trải nghiệm cảm giác học tại các lớp học thật trên một ứng dụng ảo. Với ứng dụng này Edtech đã tạo ra một môi trường học tập không biên giới.
Đánh giá (Assessment): Sử dụng ứng dụng này của Edtech, các giáo viên có thể dễ dàng cập nhật được tình hình học tập của các học viên một cách có hệ thống và liên tục. Học viên có thể trả lời bài tập riêng với giáo viên giúp giáo viên cũng sẽ có những nhìn nhận và đánh giá chính xác hơn về mỗi cá nhân học viên.
Cơ hội để Edtech Việt Nam phát triển
Trước hết chính sách hỗ trợ/đầu tư cho công nghệ giáo dục của Nhà nước Chính phủ đang hết sức thuận lợi để Edtech Việt Nam phát triển. Trong vòng 5 năm của giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục đã tăng trên 32,2%. Đến năm 2020, con số dự toán chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 258,7 nghìn tỷ đồng (tăng 63,1 nghìn tỷ đồng so với năm 2016). Thậm chí, chi tiêu công cho giáo dục/GDP của Việt Nam (4% năm 2019) đang ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả so với một số nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn trong khu vực (Singapore 3,2%, Thái Lan 3,8%).
Tiếp đến theo báo cáo Digital 2020 của We are social, số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Việt Nam là 1 trong Top 20 nước có số người sử dụng (NSD) internet cao nhất thế giới, điều kiện bắt buộc để Edtech phát triển.Theo tính toán của các chuyên gia, trong năm 2019, thị trường Edtech tại Việt Nam mới trị giá 2 tỷ USD, nhưng con số này sẽ lên tới 4 tỷ USD vào cuối năm 2021 và con tiếp tục tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) có thể lên đến 20,2% trong giai đoạn 2019 – 2023 (theo Ken Research).Trong khi hiện có 192.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, chứng tỏ nhu cầu được tiếp cận với môi trường giáo dục hiện đại rất lớn, khả năng tài chính của người dân Việt Nam rất tốt. Khi không thể lên đường du học vì dịch Covid-19, các bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư tiền của để con học ở môi trường giáo dục có chất lượng. Nếu Edtech phát triển có thể thu hút được lượng lớn những sinh viên này học tập tại Việt Nam.Số lượng học sinh tại các trường mầm non là khoảng 4,9 triệu người, tại các trường trung học phổ thông là 16,9 triệu người, và các trường cao hơn là 1,7 triệu người. Trong khi đó, hiện nay có tổng số 452 chương trình quốc tế tại Việt Nam, trong đó, có 70 cơ sở đại học có các chương trình quốc tế.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đầu tư cho giáo dục, con số trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỷ USD (tính đến ngày 31/12/2019, trước khi có dịch) chưa phản ánh hết tiềm năng và cơ hội đầu tư cho giáo dục trong đó có lĩnh vực Edtech. Việc Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế. Cơ hội để Edtech phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới là có thật dù chặng đường được xác định là đầy những gập ghềnh, khó khăn.
Nguồn: Kinh tế & Đô Thị