Giáo dục trực tuyến: Cần hiểu đúng trước khi muốn thực hiện đúng
Ở góc độ tích cực, dịch Covid-19 có thể được coi là “cú hích” thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục với sự phát triển “nở rộ” của các hình thức giáo dục online. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về hình thức giáo dục này.
Dạy học “qua mạng” liệu đã phải là giáo dục trực tuyến?
Hàng loạt trường tiểu học, THCS và THPT trong và ngoài công lập đã áp dụng hình thức học qua mạng trong “thời của Covid-19”. Hình thức học mọi nơi, mọi lúc đã thực sự phát huy lợi thế và mang lại hiệu quả nhất định, đáp ứng phần nào nhu cầu học tập cho hàng triệu học sinh, sinh viên trong mùa dịch. Tuy vậy, không phải hình thức học online nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.
ThS. Phạm Văn Bình – Trưởng phòng Đào tạo của một Tập đoàn giáo dục quốc tế tại Hà Nội cho biết: Nhiều cơ sở giáo dục nói là triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh, song trên thực tế chỉ là giáo viên thực hiện cuộc gọi với học sinh thông qua một nền tảng ứng dụng như: Skype, Zoom,… không khác gì một hình thức “hội thoại trực tuyến”. Còn bài giảng thì chủ yếu gửi file mềm tài liệu, slide pdf được soạn sẵn hoặc các link bài giảng được sưu tầm trên Youtube cho học sinh tự học và tham khảo.
“Về bản chất, các bài giảng này vẫn chỉ là một hình thức tài liệu tổng hợp từ các bản in theo chương trình học offline, hoặc thậm chí là “chắp vá” từ các nguồn trên mạng. Đây không phải là giáo trình được số hóa bài bản với thiết kế sinh động theo tiêu chuẩn của giáo dục trực tuyến; do đó, khó mà kích thích được sự tò mò và hứng thú học tập thực sự cho học sinh” – ThS. Phạm Văn Bình nhận định.
Không chỉ yêu cầu về nền tảng công nghệ với giáo trình được số hóa, giáo dục trực tuyến còn đòi hỏi phương pháp và kỹ năng giảng dạy chuyên nghiệp. Tuy nhiên thực tế, các giáo viên (đặc biệt là các giáo viên lớn tuổi) cũng thừa nhận, còn lúng túng trong việc chuẩn bị giáo án và thực hành giảng online.
Việc triển khai chưa đầy đủ mô hình đào tạo trực tuyến đúng nghĩa, chưa phát huy được tối đa hiệu quả dạy và học nên khiến không ít giáo viên và các bậc phụ huynh nghi ngờ về chất lượng, hiệu quả của hình thức dạy và học của tương lai này.
Cần cái nhìn đúng đắn hơn về giáo dục trực tuyến
Giáo dục trực tuyến có nhiều cấp độ, trong đó có thể tạm phân việc ứng dụng hình thức này của các cơ sở giáo dục hiện nay thành 5 bậc. Bậc 1 gồm 100% lớp học truyền thống, tương tác trực tiếp; sử dụng slide, e-mail và internet để hỗ trợ tra cứu tài liệu. Ở cấp độ này, người thầy vẫn đóng vai trò chính trong cung cấp kiến thức. Bậc 2, giáo dục trực tuyến chỉ là nền tảng lưu trữ và chia sẻ một số tài nguyên học tập và tương tác trực tiếp trên lớp vẫn là chủ yếu. Bậc 3, giáo dục trực tuyến được sử dụng rộng rãi hơn, nhiều tài nguyên hơn, một số bài tập, thảo luận đã được triển khai trên hệ thống trực tuyến, tuy nhiên lớp học trực tiếp vẫn là chủ đạo.
Bậc 4, giáo dục trực tuyến chiếm tới 50-70% hoạt động học tập, tài nguyên và các hoạt động học tập trên hệ thống E-Learning đã hết sức phong phú. Giáo dục trực tuyến ở cấp độ này đã thực sự trở thành một thành phần quan trọng của quá trình tổ chức lớp học với các triết lý như lớp học đảo ngược (flipped classroom) và được những người đứng đầu tổ chức đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở cấp độ này, giáo dục trực tuyến chưa thay đổi cấu trúc và mô hình vận hành của tổ chức/nhà trường.
Bậc 5, tổ chức/trường học đã thực sự chuyển đổi số hoàn toàn mô hình hoạt động của mình từ học tập, giảng dạy, quản lý, chất lượng. Ở bậc này, giáo dục trực tuyến thực sự thay đổi cách tiếp cận và chất lượng giáo dục.
Xét theo các cấp độ này có thể nhận thấy, hầu hết các cơ sở triển khai giáo dục trực tuyến ở Việt Nam thời điểm dịch Covid-19 vừa qua chủ yếu đang ở bậc 1, 2 và một số ít ở bậc 3. Bậc 4 diễn ra ở một số môn học, ở một số trường lớn nhưng chưa mang tính hệ thống. Để có được lớp học trực tuyến thực sự ở Việt Nam hiện nay, “ngoài việc đầu tư “xứng tầm” các yếu tố về nhân lực và công nghệ, điều cần thiết hơn khi triển khai học trực tuyến là phải đào tạo các kỹ năng giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên cũng như chuẩn bị được kỹ năng tự học cho học sinh” – ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh nêu quan điểm.