Giáo dục trực tuyến: Từ tâm dịch Covid-19 nhìn về thị trường hơn 3 tỉ USD
Trường học tạm đóng cửa, kỳ nghỉ xuân kéo dài nhất trong lịch sử đã đặt thị trường giáo dục Việt Nam trước những thách thức chưa từng có, cũng như mở ra cơ hội mới – nơi mà chỉ có kẻ đi trước về công nghệ mới tìm được cách thức để sống sót.
Thị trường 325 tỷ USD chờ thức giấc
Trẻ con thường cảm thấy hạnh phúc khi được nghỉ học. Chúng nghĩ đó là lúc được vui chơi và không phải lo lắng nhiều về bài vở. Ryu, một học sinh 9 tuổi ở Tokyo, nghĩ như vậy khi Nhật Bản đóng cửa toàn bộ trường học vào ngày 2/3. Trước đó một tháng, ở Hà Nội, Bảo Ngọc, một học sinh lớp 3 ở Hà Nội cũng có niềm vui tương tự, bởi kỳ nghỉ Tết truyền thống của em bất ngờ được thông báo kéo dài thêm ít nhất một tuần nữa, nhằm chống lại sự lây lan của một dịch bệnh mới – Covid-19.
Thế nhưng khi những vui vẻ qua đi, cả Ryu và Bảo Ngọc đều đối mặt với nỗi lo về bài vở và sự mất kết nối trong cộng đồng quan trọng nhất của lứa tuổi các em: kết nối với thầy cô, bạn bè và tri thức. Sau vài tuần, những đứa trẻ khát khao được học tập trở lại, nhưng trường học lại chưa sẵn sàng mở cửa.
Thực tế trước mùa dịch, có ít doanh nghiệp tại Việt Nam sở hữu một chu trình giáo dục trực tuyến đồng bộ, dù rằng nền tảng trực tuyến ở Việt Nam là rất tốt khi mật độ sở hữu điện thoại trên dân số lên tới 148% và người dân dành không ít hơn 4 tiếng mỗi ngày để truy cập internet.
Theo đánh giá của Forbes, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu đã đạt mốc 107 tỷ usd vào năm 2015, và sẽ tăng gấp 3 lần đến năm 2025, chạm tới con số 325 tỷ USD. Một số chuyên gia nhận định Covid 19 sẽ còn kéo dài ít nhất 6-10 tuần nữa, nhu cầu học trực tuyến của toàn cầu sẽ tăng vọt đẩy thị trường đào tạo trực tuyến toàn cầu tăng trưởng mạnh. Giải pháp giáo dục có chi phí thấp, tính tiện lợi cao và khả năng tiếp cận rộng rãi với mọi tầng lớp dân cư sẽ bùng nổ nhanh hơn so với dự đoán.
Cơ hội cho kẻ đi trước
Tuy nhiên cơ hội này không dễ nắm bắt. Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong một hệ thống đào tạo trực tuyến. Nếu ở Mỹ, chỉ sau 2 ngày có tuyên bố đóng cửa trường học, chu trình e-learning đã được kích hoạt do mọi bước chuẩn bị về công nghệ đã được thực hiện trước đó, thì ở Việt Nam, những động thái này là khá hiếm hoi và đều xuất phát từ nỗ lực của các doanh nghiệp riêng lẻ.
Cùng quan điểm với bà Diễm Quyên, đại diện một quỹ đầu tư giáo dục trong nước cho rằng Việt Nam đã bị gián đoạn việc học 2 tháng qua, người dân sẽ không thể chịu đựng thêm. Cầu tăng vọt, nhưng nguồn cung có chất lượng rất thiếu vì doanh nghiệp giáo dục truyền thống khó xoay xở. Cơ hội này thuộc về những đơn vị có chuẩn bị từ trước.
Thị trường 3 tỉ USD sẽ lớn nhanh hơn
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên: “Dịch Covid 19 thực sự là cơ hội hiếm có để ta nhìn lại ta, nhìn rõ ra thực trạng nền kinh tế, để quyết tâm thay đổi căn bản cả cơ cấu và cơ chế vận hành của nó. Để chính ta phải thoát ta, vươn lên tầm thế mới!”
Còn theo Ambient Insight, Việt Nam nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018, và sẽ có động lực vượt 3 tỷ USD ngay trong cuối năm nay, dù phải đối mặt với những nguy cơ từ cú sốc do thiên tai địch hoạ. Đây là thời cơ cho những đơn vị có chuẩn bị sớm và nắm bắt được cơ hội.
Nguồn: Cafef.vn