
Google Meet và Microsoft Teams: 2 phần mềm tối ưu cho việc học trực tuyến tại Việt Nam
Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã phải cho học sinh học tập trực tuyến. Bên cạnh việc theo dõi các bài giảng trên truyền hình, học sinh cũng tham gia các lớp học trực tuyến do giáo viên tạo trên các ứng dụng phổ biến như Google Meet, Microsoft Teams và Zoom.
Các phần mềm này giúp giáo viên và học sinh nhìn thấy nhau, giáo viên có thể giảng trực tiếp qua mạng, học sinh có thể nghe giảng và trao đổi trực tiếp (bằng lời nói hoặc văn bản) với giáo viên thông qua máy tính hoặc điện thoại có kết nối mạng, học sinh dễ dàng nhìn thấy bài giảng của giáo viên… Cả 3 phần mềm này đều không yêu cầu học sinh phải có tài khoản, không cần cài đặt (có thể dùng trực tiếp trên Web), chạy ổn định trên các loại thiết bị khác nhau.
Để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả giáo viên có thể lựa chọn một trong các cách kết hợp các công cụ như sau:
- Google Meet + Google Classroom
- Zoom + Google Classroom/Edmodo (với lớp lớn) hoặc Zoom + ClassDojo (với lớp nhỏ – cấp Tiểu học)
- Microsoft Teams (không cần kết hợp công cụ khác vì Teams là hệ thống Quản lý học tập lại có sẵn tính năng meeting để học trực tuyến).
Tuy nhiên, ứng dụng Zoom đã thông báo NGỪNG hỗ trợ email ngành giáo dục dùng phiên bản Basic miễn phí không giới hạn thời gian (tức là chỉ được sử dụng 40 phút cho một cuộc họp) sau ngày 31/12/2021, do đó việc giáo viên sử dụng ứng dụng này trong việc giảng dạy trực tuyến không còn là giải pháp hiệu quả và lâu dài.
Ngoài ra, tính bảo mật cũng là 1 trong những yếu tố khiến các thầy cô sẽ cần cân nhắc khi lựa chọn công cụ phục vụ cho việc dạy trực tuyến. Nếu như Zoom được biết với tính bảo mật không cao, Microsoft Teams và Google Meet đều đảm bảo yếu tố này, giúp các thầy cô hoàn toàn an tâm trong quá trình sử dụng.
Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu những lợi ích tuyệt vời của hai công cụ: Google Meet và Microsoft Teams. Đây là hai công cụ miễn phí, dễ sử dụng, có các tính năng tương tự như Zoom và không giới hạn thời gian cho việc dạy-học tực tuyến của quý thầy cô.
- Google Meet
- Tiện lợi, quen thuộc với người dùng nên dễ sử dụng (vì hầu hết giáo viên, học sinh và phụ huynh cũng có Gmail nghĩa là có tài khoản Google)
- Thời gian 1 tiết học tối đa: Không giới hạn+ Số lượng người tham dự: 100 – 250 người tùy theo gói G-suite đăng ký
- Đặc biệt, Google đang bổ sung một vài tính năng mới cho Meet, hướng đến đối tượng G Suite trong lĩnh vực giáo dục: Tính năng kiểm duyệt mới cho phép các nhà giáo dục kiểm soát lớp học, khả năng thay thế hoặc làm mờ nền, tính năng “giơ tay phát biểu” trong lớp học,…
- Microsoft Teams
- Là một hệ thống Quản lý học tập nên cho phép quản lý học sinh, cho phép giáo viên giao và học sinh nộp bài tập thực hiện được việc KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ, điểm chấm tự lưu vào sổ điểm, có khen thưởng giúp tăng động lực cho học sinh, cho phép chia thành kênh để quản lý bài giảng tốt hơn.
- Thời gian 1 tiết học tối đa: với tính năng meet now là 8h
- Số lượng: 250 người
- Cho phép ghi lại buổi học, lưu trực tiếp lên “đám mây” Microsoft Stream, có sẵn luôn trong không gian lớp học, giáo viên có thể ghim video ghi lại buổi học lên Teams để học sinh dễ dàng tìm học. Trên Stream giáo viên có thể chỉnh sửa video dễ dàng.
- Ngoài ra, với cuộc họp ngôn ngữ là tiếng Anh có thể nhờ Teams tạo caption (Teams nhận ra mình nói gì và ghi lại lời nói đó), sau đó tự chuyển thành transcript, giáo viên chỉnh sửa được transcript. Khi ghi lại cuộc họp, Teams ghi cả caption và học sinh có thể tìm kiếm từ hoặc cụm từ liên quan để xem lại nhanh chóng.
- Thoải mái thêm các công cụ khác vào lớp của mình như bỏ phiếu, tạo bài giảng tương tác….
- Công cụ OneNote Class Notebook chỉ có ở mỗi Microsoft Teams, giáo viên có quyển sổ tay lớp học kĩ thuật số trong đó mỗi học sinh có một quyển sổ riêng, toàn bộ nội dung môn học có thể lưu trên đó. Do đó, giáo viên có thể kiểm soát dễ dàng việc học của học sinh. Ngoài ra, còn có không gian cho học sinh thảo luận nhóm. Đối với việc thảo luận nhóm mà cần học sinh nói chứ không chỉ gõ văn bản (như kiểu trên lớp học truyền thống) giáo viên có thể cho học sinh tạo group chat và học sinh gọi video call với nhau. Hoạt động này thực hiện được ngay trong lúc đang diễn ra giờ học của cả lớp.
Tùy vào đối tượng người học, kĩ năng ứng dụng CNTT-TT của giáo viên, số lượng người tham dự, thời gian tiết học, các thầy cô hãy lựa chọn cho mình công cụ phù hợp để dạy học.
KHÔNG CÓ CÔNG CỤ NÀO LÀ HOÀN HẢO, CHỈ CÓ CÔNG CỤ NÀO LÀ PHÙ HỢP HƠN CẢ VỚI NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÙNG.
Chúc thầy cô tìm được những công cụ phù hợp cho mình để lớp học trực tuyến có thể đạt hiệu quả cao!