Kỳ vọng bứt phá nhờ giáo dục thông minh

 

Startup giáo dục trực tuyến bậc phổ thông Edmicro nhận đầu tư từ ...

TP. Hồ Chí Minh đang triển khai mạnh mẽ giáo dục thông minh – xu hướng giáo dục hiện đại, được kỳ vọng sẽ là bước bứt phá trong chiến lược phát triển của thành phố.

Thay vì những tiết học truyền thống với giáo án viết tay, bảng đen phấn trắng, những trang báo cáo dày cộp phải chuyển bằng đường công văn… giờ đây, nhiều tiết học, văn bản báo cáo tại các trường học đã hoàn toàn khác. Tất cả đều thay đổi, khởi sắc hơn sau khi ứng dụng công nghệ thông tin.

Học tập, thi cử và tuyển sinh online

Nếu giáo dục truyền thống là lớp học thực, tài liệu in, thời gian biểu cố định, giáo viên tương tác trực tiếp với học sinh thì giáo dục thông minh gồm cả lớp học ảo, tài liệu số, thời gian linh hoạt, không gian học tập mọi lúc, mọi nơi.

Trong giáo dục thông minh, công nghệ xuất hiện ở tất cả các khâu: Hỗ trợ quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, giúp việc dạy và học thuận lợi, hiệu quả, mở rộng không gian học tập vượt qua giới hạn của một bài giảng thông thường.

TP.Hồ Chí Minh xây dựng Đề án Giáo dục thông minh tầm nhìn đến năm 2025 và đang từng bước triển khai kế hoạch đó. Với mô hình “Trường học thông minh” (Smartschool), ở từng lớp học, hệ thống Internet băng thông rộng, tốc độ đường truyền đảm bảo tốt, được phủ sóng wifi toàn trường và có đường truyền dự phòng. Phần mềm quản lý học tập phục vụ cho hoạt động tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với bài giảng. Các trường có nguồn tài nguyên bài giảng điện tử phục vụ giảng dạy cho giáo viên. Đặc biệt, nhà trường sử dụng thẻ thông minh học đường cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Thẻ này hỗ trợ nhiều tính năng như điểm danh, mua hàng, ứng dụng tương tác học đường… giúp cho cả công tác quản lý của nhà trường.

Smartschool còn là giải pháp để ngành Giáo dục thành phố tích lũy nguồn tư liệu giáo án điện tử phong phú, kết nối với Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh để hình thành nên kho dữ liệu dùng chung cho giáo viên toàn ngành. Giáo viên không còn phải tự mày mò thiết kế bài giảng một cách khó khăn.

Là một trong những trường được thành phố lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình “Trường học thông minh” – ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) – cho rằng, việc tạo được môi trường học điện tử hoá sẽ tạo được nhiều tiện ích cho cả người dạy lẫn người học, rất phù hợp với xu thế mới trong thời đại 4.0.

Không chỉ giảng dạy, việc kiểm tra, đánh giá cũng từng bước được triển khai trên máy tính. Học sinh được thử nghiệm làm bài kiểm tra online trên máy tính, sau khi làm bài xong sẽ biết điểm ngay. Việc thi thế này vừa tinh gọn thời gian, vừa không phải sử dụng giấy. Ngoài ra, học sinh cũng được hỗ trợ làm vài khảo sát năng lực online để các em biết được sở trường, khả năng của mình từ đó lựa chọn khối thi đại học, ngành học cho phù hợp, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay.

Ngoài việc dạy học online, trường học tại TP.Hồ Chí Minh cũng có nhiều ý tưởng khả thi trong việc đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Bà Lưu Thị Kim Thúy – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) – đề xuất: Nếu áp dụng tuyển sinh online vào lớp 10 sẽ giúp trường tiết kiệm được thời gian, giấy in, không bị thụ động khi cần thống kê nguyện vọng. Việc cập nhật dữ liệu và in phiếu đăng ký cho học sinh được dễ dàng, nhanh chóng và kịp thời.

“Trước đây, cùng một khối lượng công việc này phải cần từ 10 đến 12 người giải quyết thì với giải pháp này, chỉ cần 3 nhân sự là có thể hoàn tất công việc một cách nhanh chóng” – bà Thúy nói.

Khái niệm trường học thông minh không chỉ dừng lại ở học tập, thi cử và tuyển sinh theo hướng số hóa”, TP.Hồ Chí Minh còn có hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại, có nguồn dữ liệu tài nguyên số dồi dào.

Cuối năm 2019, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa vừa đưa vào sử dụng thư viện thông minh với tổng diện tích khoảng 1.000m2 với tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng nằm trong Dự án xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn theo chương trình kích cầu của UBND thành phố.

Ông Nguyễn Minh – Hiệu trưởng nhà trường – thông tin, ngoài việc cung cấp nhiều đầu sách cho học sinh, thư viện còn sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển. Mỗi học sinh sẽ có một mã tài khoản riêng để truy cập nguồn tài nguyên của thư viện này. Thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh đang tính toán đến việc xây dựng thư viện thông minh tại 10 trường đầu tiên, sau đó sẽ nhân rộng ra các trường công lập từ nay đến năm 2025.

Quản lý bằng công nghệ

Phụ huynh ngồi ở nhà có thể nhìn thấy con học tập, giáo viên dự giờ online hay kiểm tra số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh trở về từ vùng dịch bệnh… là một vài trong rất nhiều ưu điểm mà mô hình thí điểm Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh vừa được UBND TP.Hồ Chí Minh giới thiệu vào tháng 2.2020 có thể làm được.

Mô hình thí điểm Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh gồm các hợp phần như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh; Quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; Quản lý lịch làm việc; Tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh…

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những tác dụng quan trọng của mô hình này như người học dễ dàng tiếp thu kiến thức, ở đâu, giờ nào cũng có thể học, học kiến thức mà mình muốn chứ không chỉ bó buộc trong chương trình, sách giáo khoa tại nhà trường.

“Gia đình có thể sử dụng hệ thống mạng này để nắm bắt tình hình học tập của con em mình thế nào. Phụ huynh ngồi ở nhà có thể thấy con mình trên lớp. Hệ thống cũng giúp thầy cô giáo có điều kiện nâng cao trình độ, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới, tạo diễn đàn trên mạng cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Một giáo viên giảng bài hay thì giáo viên khác có thể dự giờ bằng cách ngồi ở nhà xem qua hệ thống” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thông minh giúp lãnh đạo thống nhất quản lý được các đầu mối về số liệu cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, sau khi triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh trong thời gian từ 6-8 tháng để rút kinh nghiệm, thành phố cần chuẩn bị hồ sơ tổ chức đấu thầu, làm cơ sở triển khai lâu dài trong những năm tới.

Chiến lược phát triển rõ ràng cùng hàng loạt mô hình thí điểm hiện đại đang tạo ra những giải pháp đổi mới có tính đột phá giúp giáo dục TP.Hồ Chí Minh phát triển không ngừng và thực sự là một trong những trung tâm về giáo dục và đào tạo của cả nước. Việc đầu tư phát triển giáo dục thông minh, học tập suốt đời chính là định hướng lâu dài mà thành phố đang phấn đấu hướng tới.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhận định: “Ngành giáo dục có trách nhiệm rất lớn, đảm bảo điều kiện học tập cơ bản, nâng cao trình độ, phải có một bộ phận đạt trình độ giáo dục quốc tế. Đó là điểm đặc thù trong chiến lược phát triển của thành phố, vì vậy việc thí điểm mô hình này thực chất là một giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ nói trên”.

Nguồn: laodong.vn

 

 

WordPress Video Lightbox Plugin