Liệu chúng ta có đang hiểu đúng về các khóa học E-Learning?
“Chưa có nhiều khóa học E-learning đúng nghĩa.” Đó là khẳng định của GS. TS Huỳnh Văn Sơn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TP. HCM – khi nhiều trường chuyển qua đào tạo trực tuyến ứng phó với dịch bệnh do virus corona gây ra.
Theo ông Sơn, các khóa học trực tuyến mở đại trà, người học có thể học mọi lúc mọi nơi, tiện lợi. Nhưng hạn chế lớn nhất của hình thức học này là tỉ lệ hoàn thành khóa học rất thấp (2-5%). Mô hình học tập mở này cung cấp các nội dung tri thức trực tuyến cho tất cả mọi người và không giới hạn số lượng tham gia qua việc truy cập Internet.
Chỉ 1/4 giảng viên hiểu đúng
“Việc đào tạo E-Learning cần phải có cơ sở khoa học để khắc phục những hạn chế đang tồn tại: người học dần rời bỏ E-Learning sau một thời gian học; chưa thể có nhiều khóa học E-Learning đúng nghĩa, toàn phần, mà vẫn dùng kết hợp trực tuyến và trực tiếp; giảng viên cần quan tâm nhiều hơn đến sự thực học của sinh viên; chứng chỉ học tập trực tuyến vẫn còn được cân nhắc và đánh giá kỹ khi tuyển dụng nhân sự” – ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết thêm hiện nay hình thức đào tạo trực tuyến là những khóa học mang ý tưởng của tinh thần “học tập mở”. Nhưng cách làm thường thấy là giảng viên giảng bài được quay phim lại rồi đưa lên mạng.
“Trong các đợt khảo sát, trao đổi cùng nhiều giảng viên của chúng tôi, có hơn một nửa cho rằng E-Learning là việc quay hình các video clip để phát hình cho người học. Chỉ có khoảng 1/4 số giảng viên trong khảo sát hiểu đúng về khóa học trực tuyến. Trong khi điều quan trọng trong giảng dạy là xây dựng kịch bản sư phạm, nhưng thực tế việc này chưa được các trường quan tâm trong đào tạo online.
Vậy các khóa học E-Learning hiện có giữ chân người học, có tuân thủ các nguyên tắc sư phạm và giáo dục, đảm bảo định hướng về đào tạo phát triển năng lực và có tuân thủ nguyên tắc phát triển chương trình?” – ông Sơn đặt vấn đề.
Tương tự, TS Lê Đức Long – giám đốc Trung tâm tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nhận định hiện vẫn chưa có nhiều khóa học E-Learning đúng nghĩa. “Để có khóa học E-Learning thay thế khóa học trực tiếp là không dễ. Vấn đề trọng yếu quyết định chất lượng của một khóa học trực tuyến đó chính là quy trình thiết kế một khóa học E-Learning.
Nếu đảm bảo được quy trình xây dựng khóa học khoa học, khả thi thì người học sẽ gắn kết tích cực và hứng thú. Người xây dựng khóa học E-Learning phải là nhà sư phạm có nghề, nắm vững các kiến thức về giáo dục học và chương trình học” – ông Long nhấn mạnh.
Để tiếp cận E-Learning một cách khoa học
GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng quá trình dạy học E-Learning sẽ được làm một cách khoa học và hiệu quả nếu giảng viên và cơ sở đào tạo đáp ứng, thỏa mãn được những vấn đề: Làm sao kiểm tra tài khoản của tất cả sinh viên và biết rằng người học đều tham gia? Cách thức để kiểm tra người học thực sự đang tham gia học tập trên hệ thống E-Learning?
Kiểm soát việc học thay đã và đang tồn tại ở học sinh, sinh viên? Cách thức đánh giá quá trình học trực tuyến của người học chính xác, mang tính động viên? Làm thế nào để có thể đảm bảo duy trì hứng thú của người học… thật dài khi bối cảnh xung quanh có thể luôn lôi kéo, chi phối người học?
“Trả lời các câu hỏi này tuần tự, nghĩa là người dạy đã tiếp cận E-Learning một cách khoa học. E-Learning cần có mặt, cần tồn tại, nhưng rất cần được đầu tư bài bản. Sự đầu tư này bắt đầu một cách nghiêm túc, có cơ sở, đảm bảo thích nghi với đa đối tượng vừa là người dạy, vừa là người học…” – ông Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: Trần Quỳnh – tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/chua-co-nhieu-khoa-hoc-e-learning-dung-nghia-20200210211928303.htm